Nếu dùng biện pháp hành chính để hạn chế nhập cư vào nội thành Hà Nội sẽ không có hiệu quả, vì có thể giảm về mặt sổ sách, nhưng thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức.
Đây là ý kiến của một số đại biểu đưa ra khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô, sáng 5.11.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) khẳng định: về bản chất, mục tiêu việc đưa ra những điều kiện để nhập cư nhằm hạn chế việc nhập cư chứ không phải là quản lý dân cư. Nguyên nhân của việc tăng dân cư thời gian qua ở thành phố Hà Nội và nhiều thành phố khác có gốc là mất cân đối trong phát triển giữa các vùng, miền trên tất cả các lĩnh vực như lao động, việc làm, thu nhập, điều kiện xã hội sống, điều kiện hưởng thụ, các phúc lợi công cộng của người dân, đặc biệt là chính nhu cầu lao động nhập cư để phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Quốc hội lo siết nhập cư sẽ sinh "chạy chọt"
“Nếu chúng ta dùng biện pháp hành chính để quản lý thì nguy cơ sẽ không có hiệu quả, vì quản lý hành chính có thể giảm số lượng người đăng ký tạm trú về mặt sổ sách, giấy tờ, nhưng về thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức vào đô thị, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội, cả lao động có trình độ và lao động không có trình độ”, ông Tâm nói.
Ông Tâm cũng lo ngại “do những rào cản về mặt kỹ thuật dẫn đến những hệ lụy là phát sinh tiêu cực như “chạy” các điều kiện để được đăng ký thường trú tại Thủ đô vì đối với dân cư không chính thức sẽ phải đối mặt với các bất lợi trong việc làm, thu nhập, trong hưởng các phúc lợi xã hội khác do không có hộ khẩu tại Thủ đô Hà Nội”.
Vì vậy, đại biểu này cho rằng thực tiễn trong chính sách quản lý bằng hộ khẩu trước đây đã có nhiều bất cập, nên khi Quốc hội ban hành Luật Cư trú thì đã không áp dụng biện pháp này để hạn chế việc nhập cư.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng đề nghị cách tiếp cận tăng cường năng lực quản lý để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của người dân khi gia nhập vào đời sống của Thủ đô.
“Tất cả những giải trình của cơ quan soạn thảo chia sẻ những thực tiễn hiện nay và chúng ta cũng thấy sự xung đột giữa giải pháp này với quyền tự do cư trú của người dân cũng như những điều liên quan đến Luật cư trú. Có lẽ đó là một lý do mà chúng ta phải xây dựng luật để bảo đảm sự tương tác giữa các luật khác nhau, vì nếu giữ pháp lệnh thì rõ ràng là một điều không thể thực hiện được”, ông Quốc nói.
Đại biểu này cũng cho rằng bên cạnh những chế tài để chúng ta hạn chế có điều kiện, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nội đô thì chúng ta phải có những giải pháp, những chế tài đi cùng với nó là những chính sách để hướng sự cư trú của người dân ra một không gian rộng lớn còn lại.
“Chúng tôi nghĩ đây là một điều hết sức quan trọng, bởi vì cũng như chúng ta chỉ có thể đấu tranh chống tiêu cực bằng cách xây dựng những điều tích cực hơn mà thôi. Người dân thì có một nguyên lý rất đơn giản “đất lành chim đậu”, nếu chúng ta xây dựng được những cơ sở hạ tầng, xây dựng những chính sách tốt thì chắc chắn người dân không phải ai ai cũng muốn co cụm lại trong thủ đô mà hiện nay còn rất nhiều khó khăn.
theo : DVO