Lão có sở thích khác người, sở thích mà có lẽ trên trần đời này chỉ có mỗi lão có: ở trần. Suốt cuộc đời lão chỉ ở trần, dù là mùa đông rét buốt hay mùa hè nắng cháy. Lão cũng không thích ở nhà xây, mà chỉ sống trong căn lều lợp bằng rơm rạ…
Lão “dị nhân” này có tên họ đầy đủ là Lê Để, sinh năm 1935…
Lão sống ở tổ 19, thôn 3, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, QuảngNam , nhưng để tới được "nhà" của lão thì phải vạch lá, đạp gai, vượt qua mấy con rào chằng chịt cây dại.
Những căn lều của lão nằm giữa một rừng cây âm u bên cồn cát trắng tách biệt với bên ngoài. Nơi đây chỉ có tiếng ve kêu, chim hót. Đứng từ xa nhìn, những căn lều của lão trông giống như những ụ rơm kỳ quái.
Một trong 3 căn lều của ông Lê Để.
"Tốn" mỗi cái quần đùi
Ông Lê Chon (66 tuổi), một người cùng họ ở cùng làng với ông Để bảo: “Tui nhỏ hơn ổng 11 tuổi, hồi nhỏ thường theo ổng đi bắt nhông, bắt cá. Đến khi trưởng thành đến chừ tui chưa thấy ổng mặc áo và mang dép bao giờ…”.
“Mà hồi nớ đến chừ, tui cũng chưa thấy ổng đau ốm. Ổng khỏe nhất làng, làm việc quần quật cả ngày, tối về rúc vô lều ngủ ngon lành…” - Ông Lê Chon khẳng định.
Trong cái rét lạnh cong cóng chiều đầu đông, lão Để vẫn đánh độc mỗi chiếc quần đùi cáu bẩn. Hỏi, trời lạnh thế, áo ông đâu mà không mặc? Lão cười khà bảo: “Hồi xưa đến chừ tui đâu có mặc áo mô mà hỏi áo với xống…”.
Hỏi không thấy lạnh à? Lão cười và bảo: “Từ khi tui sinh ra cha mẹ tui cho ở truồng. Lớn lên chút có mỗi cái quần đùi. Ở trần miết quen rồi!”
“Mà bận áo làm chi cho nó vướng. Mặc cái quần đùi ni thoải mái, thuận tiện, có cởi ra cũng nhanh, không phải tốn xà phòng và thời gian giặt…” – Lão Để cười.
Dị nhân ngồi bên cửa lều ngủ.
Bên trong lều ngủ.
Lại hỏi: Thế hồi thanh niên đi tán gái có bận áo không? Lão lại cười bảo: “Tui sống một mình, nhà nghèo. Biết phận, nên tui có dám tơ tưởng cô nào đâu mà tán…”. Thế đi đám đình ông có bận áo không? Lão cười và bảo: “Đám đình ở đây có ai mời tui mô mà đi!”.
Thế đi ra ngoài không mặc áo, bà con họ cười thì sao? Lão vẫn cười trả lời tưng tửng kiểu Quảng Nam : “Hồi nhỏ đến chừ tui có bao giờ bận áo đâu mà bà con cười hè? Nếu thấy tui bận áo bà con thấy lạ mới cười, chứ tui không bận áo đi ra ngoài là chuyện thường mà…”.
Vậy cái quần đùi ông đang bận trên người mua bao lâu rồi và ông có mấy cái? Không chút suy nghĩ, ông bảo: “Cái quần ni tui cũng chẳng mua. Bà con hàng xóm cho thì mặc, hơn nửa năm ni rồi”.
Hỏi ông không giặt à? Ông lại bảo: “Tui bận hồi mô nhớp thì giặt. Giặt nhiều tốn nước, tốn xà phòng, lại mau rách có ích chi mô!”.
Lão bảo, lão không thích mặc áo chứ không phải không có áo. “Bà con cho tui áo nhiều lắm, nhiều người đi xa quê về cho tui mấy cái áo. Nhưng tui bận vô là thấy ngứa ngáy khó chịu. Không mặc, lâu thành ra thói quen mà…”.
Thế mùa đông lạnh ông có bận áo không? Lão Để lắc đầu quầy quậy bảo: “Có lạnh cắt da tui cũng không bận. Ở trần quen rồi tui có thấy lạnh chi mô. Nhiều người thấy tui ở trần giữa mùa đông bảo tui bận áo cho ấm để khỏi đau. Nhưng hồi nớ đến chừ tui có đau ốm chi đâu mà lo. Ngược lại tui khỏe như voi nè…”.
Không thèm ở nhà xây
Nhiều người dân xã Bình Giang khi nhắc đến lão Để đều lắc đầu bảo đây là ông già “chảnh” nhất thế gian. Hỏi chuyện sao gọi ông là “chảnh? Nhiều người dân bảo: Sao không “chảnh”, thấy hoàn cảnh nghèo khó, sống trong lều cả đời, chính quyền xã Bình Giang vận động bà con trong thôn, xã quyên góp xây cho ông căn nhà đàng hoàng. Nhưng ông nhận nhà nhưng không thèm ở, cứ che lều tranh sinh sống.
Lão bảo: "Bà con thương xây cho nhưng ở trong nớ thấy khó chịu sao ấy. Cả đời tui sống vậy quen rồi".
Căn nhà xây của lão dị nhân.
Những căn lều lão sống và sinh hoạt bên cạnh căn nhà xây
Cạnh bên căn nhà xây là 3 căn lều bằng rơm rạ giống như những cái tổ chim. Ba căn lều tách biệt nhau do lão tự tay dựng lấy. Căn lớn nhất, chừng 3m2 lão dùng làm bếp nấu nướng và chỗ ăn uống. Căn lều thứ 2, lão đặt chiếc giường tre nhỏ để ngủ và căn nhỏ nhất, được dùng làm nhà kho chứa các vật dụng sinh hoạt hàng ngày của lão.
Chuẩn bị bữa cơm chiều trong căn lều lớn.
Lão nấu bữa tối trong căn lều rộng nhất và mời tôi ở lại dùng cơm. Cơm được nấu bằng gạo trợ cấp của nhà nước, mỗi tháng 10 kg. Còn thức ăn chỉ duy nhất là chén mắm cái (được muối bằng cá cơm ở địa phương).
Lão bảo, lão đi làm thuê kiếm tiền để mua thêm mì tôm, muối, mắm cái và mì chính. Hỏi lão có mua thịt cá không? Lão lắc đầu rồi cười bảo: “Thỉnh thoảng có mua. Nhưng mấy thứ đó tui ăn không quen…”.
Hàng xóm thấy ông sống đạm bạc, ngày lễ tết, hoặc nhà có đám thường mang thức ăn sang cho lão, nhưng lão đều từ chối. Lão bảo: Sống đạm bạc như vậy mà khỏe, ăn cá, thịt có chi mô sướng đâu mà ăn. Mà ăn để sống chứ phải sống để ăn đâu mà cứ bày vẽ cho tốn công sức.
Chị bán hàng tạp hóa nơi lão Lê Để thường ghé mua mì tôm, mắm muối bảo: Thỉnh thoảng ổng ghé mua đồ, lúc có tiền thì trả, lúc không thì mua nợ. Nhưng bà con tui ở đây thấy hoàn cảnh của ổng nên cũng không lấy tiền.
Ông Lê Chon kể, hồi nhỏ lão Lê Để học rất giỏi, nhưng do nhà nghèo lão nghỉ học sớm. Sau khi cha mẹ mất, lão bỏ đi biệt xứ khoảng hơn 2 năm, sau đó trở về mảnh vườn cũ dựng lều sống một mình từ đó đến nay.
Ông Lê Đức, tổ trưởng tổ 19, thôn 3 Bình Giang cho biết: “Ở địa phương ai cũng thương lão vì lão chẳng làm mất lòng ai. Nói chi lão cũng chỉ cười không để bụng. Vận động xây cho lão ngôi nhà gạch nhưng lão không chịu ở, lão bảo ở lều quen rồi, nên đành chịu…”.