Thách thức đối với chi phí phát triển nhà ở là tạo ra nhiều căn hộ giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân...
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện tại, Bộ Xây dựng đang thực hiện chiến lược về nhà ở, trong đó quan điểm quan trọng là phát triển nhà ở cần vai trò chủ đạo của Nhà nước. |
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện tại, Bộ Xây dựng đang thực hiện chiến lược về nhà ở, trong đó quan điểm quan trọng là phát triển nhà ở cần vai trò chủ đạo của Nhà nước.
Thông điệp trên được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại hội nghị về phát triển đô thị quốc tế (Inta 37) do Hiệp hội Phát triển đô thị quốc tế và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 3/12, tại Hà Nội, nhằm huy động các sáng kiến từ giới chuyên gia các nước tham dự hội nghị cho vấn đề phát triển nhà ở, phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam.
Ông Dũng cho biết, hiện tại, Bộ Xây dựng đang thực hiện chiến lược về nhà ở, trong đó quan điểm quan trọng là phát triển nhà ở cần vai trò chủ đạo của Nhà nước.
Theo đó, một mặt phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, mặt khác sẽ hỗ trợ người dân khó khăn không có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường nhằm cải thiện tình hình nhà ở cho họ. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản…
Theo ông, chính sách về phát triển đô thị nói chung trong đó có chính sách về phát triển nhà ở, sẽ là những công cụ tạo môi trường pháp lý để huy động các nguồn lực và kiểm soát quá trình phát triển, khắc phục tình trạng phát triển nóng gây những bất ổn, thách thức trong quá trình phát triển đô thị hiện nay.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, trong năm qua, cũng như nhiều nước đang phát triển, ở Việt Nam, quy mô đô thị ngày càng lớn lên và chất lượng đô thị cũng đạt được nhiều thành quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chất lượng đô thị vẫn là một số vấn đề cần quan tâm như hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở cho người dân… trong khi nguồn lực cần cho phát triển đô thị của Việt Nam còn hạn chế.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, dịch vụ hóa, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng diễn ra mạnh mẽ. Hiện chúng ta có 765 đô thị lớn nhỏ trong đó có những đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM với cơ cấu dân số đô thị chiếm 32%. Mỗi năm có thể tăng dân số đô thị thêm 1%.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh về số lượng và quy mô của đô thị, bên cạnh những tích cực còn tạo ra những thách thức lớn, như đầu tư cho đô thị lớn nhưng nguồn lực của các quốc gia đang phát triển lại khó khăn không đáp ứng được.
Trong khi đó, xu hướng tập trung hóa đô thị ở các quốc gia đang phát triển, làm sóng dịch chuyển dân cư từ nông thôn về đô thị lớn nên tạo ra áp lực lớn về hạ tầng, kinh tế, xã hội, vì thế ảnh hưởng lớn đến chất lượng đô thị dẫn đến làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.