Nhằm lên một kế hoạch cho tương lai, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở được kỳ vọng là một trong những lựa chọn hợp lý để giải quyết chỗ ở cho nhiều hộ gia đình. Nếu suôn sẻ, mô hình này sẽ trở thành hiện thực vào năm 2017.
Mô hình tiết kiệm nhà ở được coi là một giải pháp nhằm tạo ý thức chủ động tạo lập chỗ ở của người dân (ảnh minh họa). |
Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định, tiết kiệm nhà ở sẽ vực dậy thị trường bất động sản. Trong khi đó, nhiều chuyên gia còn không ít ngờ vực về việc áp dụng mô hình này ở Việt Nam, dù mô hình này đã khẳng định hiệu quả nhất định ở một số nước.
Mô hình tiết kiệm nhà ở cùng với các chính sách an sinh xã hội được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tư duy của nhiều người, rằng ai cũng có thể chủ động thu xếp cuộc sống của mình và gia đình nếu có kế hoạch, với sự hỗ trợ từ Nhà nước, trong một tầm nhìn dài hạn hơn.
Tránh sự ỷ lại
Ý tưởng cơ bản của tiết kiệm nhà ở chính là để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, kêu gọi mọi người cùng tham gia hỗ trợ giúp nhau xây dựng nhà ở thông qua việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng tiết kiệm nhà ở để cho người có nhu cầu mua hoặc sửa chữa nhà ở vay, đồng thời đây cũng là một giải pháp nhằm tạo ý thức tiết kiệm trong xây dựng nhà ở của người dân.
“Trong khi tại một số nước, nhiều gia đình ngay sau khi sinh con đã lập và ký ngay hợp đồng tiết kiệm nhà ở, để 20 năm sau, khi đứa bé lớn lên là đã có sẵn một căn nhà.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, vẫn còn nhiều người phải loay hoay với cuộc sống hiện tại như lo chuyện ăn ở, học hành, chữa bệnh cho con cái. Việc lo cho hôm nay còn đang rất khó khăn thì việc lo cho 5-10 năm sau chưa được nhiều người quan tâm lắm cũng là điều dễ hiểu" – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói.
Tuy nhiên, cùng sự phát triển của đất nước, mô hình tiết kiệm nhà ở phù hợp với chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam. Chúng tôi triển khai mô hình này theo hướng tránh sự ỷ lại và sự bao cấp của Nhà nước, bản thân mỗi hộ gia đình nghèo muốn có được chỗ ở đều phải tích cực tham gia.
Tâm lý người Việt Nam là muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Đời bố mẹ có thể chưa được hưởng nhưng nếu bây giờ chúng ta bắt đầu ngay thì đời con cháu có thể hưởng những hành quả tiết kiệm của bố mẹ. Dần dần chúng ta sẽ nâng cao được ý thức tiết kiệm cũng như tầm nhìn dài hạn hơn cho người dân”.
Theo phân tích của ông Nam: “Chúng ta phải bắt đầu, giải quyết từng bước một, khó khăn nảy sinh đến đâu chúng ta tìm cách giải quyết đến đó”. Đây cũng là cơ hội để tăng cường tạo điều kiện, giáo dục cho người dân mình có ý thức tiết kiệm hơn trong chi tiêu để giải quyết các nhu cầu cơ bản cho gia đình mình.
Sẽ vực được thị trường bất động sản
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, dòng vốn lớn từ mô hình tiết kiệm nhà ở đổ vào thị trường khiến cầu thực tăng lên, nhờ vậy bất động sản sẽ được hỗ trợ. Thị trường có nhiều phân khúc, nhiều hình thức khác nhau để phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau.
Những người nghèo ít tiền thì cứ gửi tiết kiệm và mua nhà ở xã hội. Những người có điều kiện hơn gửi tiết kiệm và mua nhà ở thương mại. Chính vì thế, bên cạnh vốn nhà nước và các ngân hàng thương mại, mô hình này sẽ huy động được một dòng vốn rất lớn từ những người muốn mua nhà và chỉ tập trung vào nhà ở, sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản.
“Lãi suất cho vay ở một số ngân hàng tiết kiệm của Trung Quốc chỉ khoảng 3%. Tất nhiên, lãi suất thấp là quan trọng, nhưng tôi cho rằng quan trọng hơn là phải ổn định, không được phép thay đổi trong suốt thời gian vay và tiết kiệm. Do luật pháp kiểm soát nên mô hình tiết kiệm này rất an toàn. Ngân hàng chỉ cho những người muốn mua nhà vay và không đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro”, ông Nam nói.
Ông Nam tin rằng, mô hình tiết kiệm nhà ở có nhiều cơ hội thành công, bởi trách nhiệm lo nhà ở cho người dân là của Nhà nước, của toàn xã hội và của chính bản thân mỗi hộ gia đình.
Theo: Pháp luật Việt Nam - sàn đất vàng