Năm 2014, hàng loạt chính sách mới cho thị trường BĐS có hiệu lực. Với những chính sách này, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ đạt được những bước "đột phá" mới.
Thông tư 20 cho phép phân lô bán nền
Bất động sản 2014 ấm lên từ chính sách ? |
Từ ngày 5-1, Thông tư 20/TTLN-BXD-BNV của liên ngành Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ, hướng dẫn thực hiện việc quản lý và phát triển đô thị, trong đó cho phép chủ đầu tư phân lô bán nền chính thức có hiệu lực.
Theo thông tư, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân sẽ được chuyển quyền sử dụng đất trong khu đô thị để tự xây dựng nhà ở với điều kiện khu vực được chuyển quyền sử dụng đất phải đảm bảo đã đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu: giao thông, điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp thoát nước... UBND cấp tỉnh quy định các khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng…
Theo đánh giá của các chuyên gia, trước đây cấm phân lô bán đất nền nhằm kiểm soát về trật tự xây dựng đô thị, đảm bảo quy hoạch đô thị được tốt hơn. Tuy nhiên, quy định này bất cập ở chỗ nhiều nhà đầu tư nhỏ, sau khi xây dựng xong hạ tầng, nộp nghĩa vụ tài chính xong không đủ khả năng tài chính để tiếp tục lo chi phí xây nhà thô để bán. Bên cạnh đó, việc áp dụng chung một cơ chế không cho phép phân lô bán nền cho tất cả các đô thị từ lớn đến nhỏ cũng chưa phù hợp.
Hiện nay thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều, đặc biệt ở thị trường đất nền nên đây là một trong những chính sách "nới" để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân.
Nghị định 188 đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
Có hiệu lực kể từ ngày 10/1/2014, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nêu rõ các dự án phát triển nhà ở xã hội sẽ được hưởng một số hỗ trợ, ưu đãi.
Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội được ưu đãi khi vay vốn của các tổ chức tín dụng. Văn bản cũng nêu rõ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính có trách nhiệm dành lượng vốn tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua nhà thu nhập thấp vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.
Khi quy định này được thực thi thì sẽ có thêm nhiều gói tín dụng hỗ trợ lãi suất thấp không chỉ là 30 nghìn tỷ. Như vậy, cơ hội có nhà sẽ mở ra đối với nhiều người dân nghèo và cánh cửa phục hồi cũng sẽ dần hé mở đối với thị trường BĐS.
Đối với Dự án phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại). Với quy định này, sẽ có nhiều dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội để được hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng đất.
Luật đất đai 2013 - tạo động lực cho BĐS phát triển
Ngày 29/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi với gần 90% đại biểu tán thành. Luật Đất đai sửa đổi gồm 14 chương, 212 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Luật Đất 2003 sửa đổi với nhiều nội dung mới. Trong đó có việc doanh nghiệp cần đất để đầu tư dự án vì mục đích kinh tế, phải thỏa thuận giá với người có quyền sử dụng đất theo giao dịch dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự. Nhà nước, mà cụ thể là chính quyền các địa phương dứt khoát không can thiệp bằng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Về nguyên tắc định giá đất, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ việc định giá đất phải tuân theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi lần này có nhiều cởi mở, có thể tạo động lực cho lĩnh vực bất động sản phát triển. Ví dụ, Nghị định 69 và 71 có nhiều điểm triệt tiêu động lực phát triển của thị trường, cũng như DN khi Nhà nước tính toán giá bồi thường quá sát với giá thị trường, nhưng Luật sửa đổi đã có sự thay đổi để khắc phục hạn chế này. Hay như việc thu hồi đất, nếu tiếp tục để cơ chế thỏa thuận thì DN sẽ rất khó thực hiện được dự án, mà cần phải có vai trò của Nhà nước.
Thanh Ngà