Ở Hàn Quốc, cứ mỗi ngày trôi qua lại có 43 chết vì tự tử. Điều gì đang thực sự xảy ra? Điều gì đã khiến người Hàn muốn tìm đến cái chết?
Điều gì đang xảy ra tại Hàn Quốc?
Đầu tháng 1/2013, ngôi sao bóng chày Hàn Quốc Cho Sung Min tự tử khiến cả đất nước Hàn Quốc bàng hoàng. Điều đáng nói, Cho Sung Min là chồng của nữ diễn viên quá cố Choi Jin Sil. Năm 2008, cô đã tự tử khiến cả giới giải trí Hàn đau thương, tang tóc. Năm 2010, em trai cô – nam diễn viên Choi Jin Young cũng tự kết thúc cuộc đời mình.
Chuyện tử tử với giới nghệ sỹ Hàn Quốc đã trở thành chuyện... thường ngày. Năm 2005, ngôi sao điện ảnh Lee Eun-Joo treo cổ tại nhà. Năm 2007, diễn viên Jung Da Bin, ca sĩ U-Nee tự sát. Năm 2008, ngôi sao truyền hình Jang Chae-won, nam diễn viên Ahn Jae Hwan tự tử. Năm 2009, nữ diễn viên Jang Ja Yeon tự kết liễu cuộc đời…
Nữ diễn viên Jang Ja Yeon và nữ diễn viên Choi Jin Sil. |
Không chỉ với giới nghệ sỹ, số người Hàn Quốc nói chung chết vì tự tử đang ngày một tăng lên. Số vụ tự tử tại Hàn Quốc hiện đã vào hàng cao nhất trong số các nước tham gia vào Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD trong vòng 9 năm trở lại đây. Hơn 15.000 người Hàn Quốc qua đời vì tự tử mỗi năm tương đương khoảng 43 người tự tử mỗi ngày.
Không giống như những nước giàu khác, tỉ lệ tự tử ở Hàn Quốc vẫn tăng nhanh qua từng năm và hiện tại đã gấp 3 lần nước Mỹ. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2000-2010, số vụ tự tử tăng 101,8%. Tỉ lệ tự tử cao nhất nằm ở lứa tuổi teen, độ tuổi lao động (từ 20-30 tuổi) và tuổi già (ngoài 65).
Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc đã cho in dòng chữ “Mạng sống rất quý giá! Chúng ta hãy bảo vệ nó!” trên bìa sách, áp phích, đăng tải trên website… nhưng dường như không phát huy tác dụng.
Cầu Mapo ở thủ đô Seoul giờ đây được biết tới với cái tên “Cầu tử thần” bởi đã có hơn 100 vụ tự tử xảy ra trên cầu trong 5 năm.
Năm ngoái, chính quyền thành phố Seoul đã phải dán các thông điệp ý nghĩa dọc thân cầu, đi kèm là những hình ảnh em bé, hình ảnh nụ cười… những mong người muốn tự tử hãy suy nghĩ lại.
Một thông điệp viết trên cầu Mapo ở thành phố Seoul – “Hãy quên mọi chuyện đi”. |
Các nhà xã hội học tại Hàn Quốc cho rằng lý do chính khiến tỉ lệ các vụ tự tử tăng cao tại Hàn Quốc chính là vấn đề văn hóa.
Giáo sư Kang Do Hyung ở trường Đại học Y Seoul nhận định: “Văn hóa Hàn Quốc coi trọng tinh thần tập thể và ý thức cộng đồng nên khi có một người tự tử, các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đều nghĩ có một phần trách nhiệm ở mình.
Một sự ra đi có thể kéo theo nhiều người cùng suy sụp. Bên cạnh đó, chuyện tự tử vẫn bị tránh đề cập tới, nó bị cho là nhạy cảm, đen đủi, vì thế, những người đang suy sụp, cần sự giúp đỡ lại không thể cởi mở để nói ra những vấn đề của mình.”
Trong tháng 3 này, Hàn Quốc thực hiện chiến dịch chống nạn bạo lực học đường sau khi một học sinh trung học tự tử hồi đầu tháng. Cậu bé đã nhảy qua ban công nhà riêng sau khi chịu đựng sự bắt nạt của bạn bè ở trường trong 2 năm. Chỉ trong đầu tháng 3, Hàn Quốc đã ghi nhận 2 vụ tự tử của 2 em đang ở độ tuổi đến trường. Điều này khiến cả đất nước bàng hoàng.
Trong lá thư tuyệt mệnh, em học sinh viết: “Mọi người không thể nào nhìn thấy bạo lực học đường theo đúng cách nó đang diễn ra. Những camera được lắp ở hành lang, sân trường hay lớp học vẫn có những điểm mù không thể nào quay tới. Ở những điểm mù đó và trong phòng vệ sinh, bạo lực học đường diễn ra dữ dội nhất.”
Giờ đây, nguyên nhân số 1 dẫn đến cái chết của những thiếu niên ở độ tuổi từ 10-19 tại Hàn Quốc là tự tử. Các em phải đối mặt với áp lực từ môi trường học tập cạnh tranh cao, kỳ vọng của gia đình và nạn bạo lực học đường diễn ra vô cùng phức tạp.
Trong 10 năm qua, số vụ tự tử ở người già tại Hàn Quốc cũng tăng gấp đôi như một hệ lụy của tốc độ công nghiệp hóa chóng mặt. Hàn Quốc nhanh chóng trở thành một quốc gia giàu có. Ban đầu, cả đất nước hân hoan với sự thịnh vượng mới mẻ. Những người làm ăn tài giỏi được cả xã hội trọng vọng còn những người năng suất kém, người già dần bị đánh giá thấp.
Giáo sư Kim Dong-huyn ở trường Đại học Hallym cho rằng: “Xã hội của chúng ta ngày càng tăng tính cạnh tranh nhằm phát triển kinh tế, càng lúc chúng ta càng lãng quên những thành phần yếu đuối trong xã hội”.
Văn hóa Hàn Quốc từng chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng, rất quan trọng đạo làm con. Người Hàn Quốc từng quan niệm rằng cha mẹ khi về già sẽ dựa vào con cái. Nhưng điều đó ngày nay đã thay đổi khi con cái thích sống trong những gia đình hạt nhân 2 thế hệ. Bố mẹ già thường phải sống riêng khiến họ cảm thấy như mình bị cả xã hội lẫn con cái “tẩy chay”.
Tuổi già cô đơn, họ lại nhận được quá ít phúc lợi xã hội. Hàn Quốc hiện là nước chi tiêu ít nhất cho các chính sách an sinh xã hội trong khối các nước OECD khiến tỉ lệ người già sống trong nghèo khó ở mức cao nhất trong các nước giàu. Theo điều tra năm 2005, 45% người già (trên 65 tuổi) ở Hàn Quốc sống trong nghèo khó.
Theo http://dantri.com.vn/